top-banner-2

Thứ ba, 21/11/2023, 11:23 GMT+7

Giảm 2% thuế VAT: Nên kéo dài hết năm 2024, với tất cả hàng hóa

Ngày 20-11, Chính phủ đã trình Quốc hội đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) từ ngày 1-1 đến 30-6-2024.

giam-2-thue-vat-nen-keo-dai-het-nam-2024-voi-tat-ca-hang-hoa-tgnnt

Giảm thuế sẽ kích thích tiêu dùng. Trong ảnh: người dân mua sắm tại siêu thị Co.opMart xa Lộ Hà Nội, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế VAT với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (giảm còn 8%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ).

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu đã đề xuất nên kéo dài thời gian áp dụng giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024 và mở rộng các nhóm hàng hóa được giảm.

Chỉ giảm 6 tháng: chính sách chưa đủ mạnh

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cho hay hiện nay dư địa chính sách còn nhiều khi nợ công giảm tính theo GDP mới, nợ Chính phủ giảm và trong tầm kiểm soát cao.

Vì vậy dư địa để xử lý về mặt tài khóa, sử dụng làm cơ sở giảm thuế VAT với thời gian dài hơn, thay vì đến hết tháng 6-2024 có thể kéo đến hết năm 2024 hoàn toàn có căn cứ.

Ông Tuấn đề nghị có thể áp dụng giảm thuế cho mọi mặt hàng để kích thích sản xuất. Ví dụ như viễn thông, bất động sản là những mặt hàng có tính liên kết cao, khi kích thích các mặt hàng này tiêu thụ và sản xuất tốt sẽ kéo theo các mặt hàng khác có liên quan sẽ tăng trưởng, phát triển theo.

"Nền sản xuất yếu cần có giải pháp mạnh mẽ để kích thích sản xuất, kích cầu kinh tế, kích cầu tiêu dùng và sản xuất, hỗ trợ kinh tế theo hướng sử dụng dư địa chính sách tài khóa", ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, đầu tư công hiện nay khá chậm nên để linh hoạt trong điều hành ngân sách, có thể linh hoạt sử dụng nguồn này để bù đắp cho kích cầu tiêu dùng.

Ông Tuấn cũng cho rằng hiện có nhiều chương trình phục hồi kinh tế và hỗ trợ lãi suất 2% thực tế chưa làm được nên dư địa chính sách tài khóa còn nhiều nên cần sử dụng linh hoạt để điều hành.

Về thời hạn áp dụng, ông Tuấn cho rằng với việc áp dụng giảm thuế VAT trong sáu tháng và có độ trễ cho thấy chính sách chưa đủ mạnh, chưa kích hoạt nền kinh tế đủ mạnh.

Vì vậy thay vì giảm thuế VAT 2%, cần mạnh dạn áp dụng 3-4% và kéo dài hơn, áp dụng cho nhiều mặt hàng trên nền kinh tế để hiệu quả cao hơn và tác động hỗ trợ người dân tốt hơn.

"Chính sách cần phải đủ tính dài hơi mới mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp", ông Tuấn nêu rõ.

Giảm thuế VAT đến hết năm 2024 sẽ hỗ trợ kích thích tiêu dùng. Trong ảnh: tiểu thương mua bán trong tình cảnh ế ẩm tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM -Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Giảm thuế VAT đến hết năm 2024 sẽ hỗ trợ kích thích tiêu dùng. Trong ảnh: tiểu thương mua bán trong tình cảnh ế ẩm tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM -Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Thúc đẩy tiêu dùng là động lực quan trọng 

Đại biểu Phạm Văn Thịnh, ủy viên Ủy ban Kinh tế, chia sẻ theo các dự báo được đưa ra triển vọng hồi phục kinh tế thế giới sang năm 2024 còn chưa rõ nét.

Trong bối cảnh các chỉ số liên quan đến cân đối vĩ mô, nợ công, thâm hụt ngân sách đều trong ngưỡng an toàn thì việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng 2024.

Ông Thịnh nhấn mạnh việc giảm 2% thuế VAT được áp dụng trong vài năm qua đã cho thấy rõ tác dụng kích thích, tăng tiêu dùng trong nước, giảm chi phí cho doanh nghiệp, từ đó giúp hỗ trợ phần nào tăng trưởng.

Do đó, việc Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội đề xuất kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT là cần thiết, phù hợp khi nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phục hồi.

Đây cũng là chính sách liên quan đến thuế, tài khóa giúp giảm giá thành, chi phí cho doanh nghiệp và kích thích tiêu dùng.

Bên cạnh đó, với giai đoạn hiện nay, đề xuất giảm 2% thuế VAT đối với một số hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% đảm bảo tính tương đối ổn định. Đồng thời đảm bảo thu ngân sách không bị giảm quá lớn trong bối cảnh thu ngân sách cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Thịnh cũng cho rằng việc Chính phủ chỉ đề xuất giảm thêm trong sáu tháng đầu năm 2024 là hơi ngắn, do đó Chính phủ có thể xem xét trình Quốc hội giảm đến hết năm 2024. Bên cạnh đó có thể xem xét trình Quốc hội xem xét mở rộng diện các mặt hàng hóa được giảm.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, cũng cho rằng theo dự báo nền kinh tế 2024 sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức nên đề xuất giảm 2% thuế VAT là phù hợp.

Ông Nam cũng cho rằng việc giảm dự kiến chỉ kéo dài đến hết tháng 6-2024 là quá ngắn, chưa thấy rõ tác động nên đề nghị xem xét kéo dài thời gian giảm đến hết năm 2024, đồng thời mở rộng các nhóm mặt hàng được giảm thuế.

"Thực tế việc giảm 2% thuế VAT thời gian qua có nhóm hàng được, nhóm hàng không được dẫn đến bộ phận kế toán, cán bộ thuế gặp nhiều khó khăn, tốn thời gian để xử lý. Do vậy nên xem xét mở rộng tất cả các mặt hàng đều được giảm", ông Nam nêu.

Giảm thuế VAT mở rộng nhóm hàng hóa kích thích tiêu thụ, kéo theo các mặt hàng khác tăng trưởng. Trong ảnh: dự án bất động sản đang được xây dựng ở TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Giảm thuế VAT mở rộng nhóm hàng hóa kích thích tiêu thụ, kéo theo các mặt hàng khác tăng trưởng. Trong ảnh: dự án bất động sản đang được xây dựng ở TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Giảm thuế để nuôi dưỡng nguồn thu

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng đánh giá việc giúp cho người dân có điều kiện trang trải chi phí để mua hàng hóa nhờ thuế giảm đã giúp cho tổng cầu nền kinh tế đỡ bị suy giảm, qua đó hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Các chính sách này đã giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân, cũng như nền kinh tế Việt Nam đã có sự cải thiện qua từng quý.

Theo ông Ngân, hiện nay tình hình doanh nghiệp và người dân còn rất khó khăn. Do đó cần thiết xem xét để thực hiện gia hạn miễn giảm, gia hạn các loại thuế, phí và tiền thuê đất, trong đó có việc Chính phủ đang trình Quốc hội việc giảm 2% thuế VAT từ đầu năm 2024 đến hết tháng 6-2024.

Ông Ngân nhấn mạnh ban đầu có thể nghĩ giảm thuế sẽ giảm nguồn thu ngân sách nhưng thực tế đã chứng minh khi Chính phủ trình Quốc hội giảm các loại thuế, phí và gia hạn tiền thuê đất thì tổng thu ngân sách vẫn tăng.

Điều này giống như nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ lại cho người dân, doanh nghiệp thì sẽ giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như tiêu thụ hàng hóa được thuận lợi hơn thì kinh tế tiếp tục phát triển và nguồn thu ngân sách vẫn tiếp tục tăng.

Thực tế còn nhiều dư địa để thực hiện tiếp các chính sách giảm thuế, phí để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương):

Có thể giảm thuế VAT liên tục trong hai năm

Cần đánh giá xem giảm thuế VAT thì GDP tăng hay giảm. Theo tờ trình, việc giảm 2% thuế VAT sẽ áp dụng sáu tháng đầu năm 2024, sau đó đến giữa năm sẽ đánh giá, nếu tiếp tục khó khăn sẽ xem xét tiếp tục hỗ trợ.

Tuy nhiên, nếu hỗ trợ trong sáu tháng đầu năm thì phải tới sáu tháng cuối năm mới thể hiện rõ tác động. Vì vậy cần để cơ quan chuyên môn đánh giá kỹ về tác động.

Nếu có hiệu quả khi thực hiện giảm 2% thuế VAT thì nên có chính sách dài hạn, kéo dài cả năm 2024. Thậm chí giảm thuế VAT liên tục trong hai năm.

Ông Mai Hữu Tín (thành viên Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng):

Không có lý do để ngại

Chúng ta cần nhìn lại hiệu quả của các chính sách hỗ trợ đã ban hành từ đại dịch. Rất nhiều chính sách không đến được với nơi cần đến, với giá trị giải ngân thấp đến mức vô lý. Có phải là chúng ta đã quá khắt khe để dẫn đến kết quả như vậy?

Với những bất ổn lớn trên thế giới vẫn tiếp tục kéo dài khiến tâm lý bất an, phòng thủ, tự vệ lấn át thì tôi cho rằng chúng ta không có gì phải ngại ngần kéo dài việc giảm thuế VAT đến hết năm 2024.

Ông Huỳnh Trần Phi Long (chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Dương):

Chính sách hỗ trợ phải đi ngay vào cuộc sống

Hiện tình hình chung còn khó khăn nên không chỉ nên kéo dài thời gian giảm thuế tới hết năm 2024 mà còn cần làm sao để chính sách giảm thuế VAT có thể đi ngay vào cuộc sống.

Ngoài chính sách hỗ trợ về thuế VAT, các chính sách khác giúp doanh nghiệp phục hồi cũng cần thực hiện nhanh.

Tôi lấy ví dụ như gói tín dụng ưu đãi để xây nhà xã hội trị giá hàng trăm ngàn tỉ đồng nhưng vừa qua chỉ giải ngân được vài % là quá ít. Làm sao để có chính sách rồi nhưng doanh nghiệp không ngại, không phải đi "xin" mà chính sách có thể đi vào cuộc sống ngay.

Cân nhắc để không tạo áp lực ngân sách

Cũng nêu ý kiến về việc này, đại biểu Lê Minh Nam, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, dẫn thông tin trong quý 2 và quý 3-2023, GDP có mức tăng trưởng cao hơn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ cũng có mức độ tăng trưởng và đây chính là tác động của chính sách giảm thuế VAT.

Ông Nam cho rằng khi giảm thuế VAT sẽ giúp kích cầu tiêu dùng của người tiêu dùng, thông qua đó giúp các doanh nghiệp tăng trưởng phát triển.

Với đề xuất của Chính phủ tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện giảm thuế VAT trong sáu tháng đầu năm 2024, ông Nam bày tỏ ủng hộ trong bối cảnh cần tiếp tục thúc đẩy kích cầu, tăng trưởng kinh tế mà sử dụng các chính sách tài khóa, tiền tệ như giảm thuế VAT để kích cầu và thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, cần đánh giá đầy đủ kỹ lưỡng những yếu tố tác động đến việc giảm thuế, vì theo tính toán của Chính phủ, nếu giảm thuế VAT 2% trong sáu tháng đầu năm 2024 thì thu ngân sách giảm 25.000 tỉ đồng. Trong bối cảnh thu ngân sách ngày càng khó khăn, đây cũng là điều cần cân nhắc.

Tiểu thương rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước kích thích tiêu dùng tạo dòng vốn ổn định. Trong ảnh: hàng hóa ngập tràn chuẩn bị cho cuối năm tại chợ Bình Tây (quận 6, TP.HCM) nhưng vắng khách - Ảnh: HẢI QUỲNH

Tiểu thương rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước kích thích tiêu dùng tạo dòng vốn ổn định. Trong ảnh: hàng hóa ngập tràn chuẩn bị cho cuối năm tại chợ Bình Tây (quận 6, TP.HCM) nhưng vắng khách - Ảnh: HẢI QUỲNH

Tuy nhiên, nếu đúng như mục tiêu của chính sách, giảm thuế VAT để kích cầu tăng trưởng, tiêu thụ hàng hóa dịch vụ, qua đó tăng thuế VAT do phần mở rộng quy mô của tiêu thụ thì cũng sẽ bù đắp được phần giảm thuế.

Nếu hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển thì có nhiều yếu tố tác động lan tỏa như bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, chính sách bảo hiểm xã hội, y tế, giúp cho hoạt động nền kinh tế tăng trưởng...

"Khi đánh giá chính sách cần đánh giá đầy đủ, toàn diện, xem xét các chính sách đưa ra phải tính toán đạt được hiệu quả mang tính chất tổng thể, bền vững", ông Nam nêu.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cũng cho hay tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2024 được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn.

Do đó nếu giảm được 2% thuế VAT đến hết năm 2024 và mở rộng phạm vi nhóm hàng hóa được giảm sẽ có tác động tốt hơn cho doanh nghiệp, người dân, từ đó kích thích tiêu dùng, tác động đến tăng trưởng.

Song ông cho rằng dù mong muốn giảm thời gian lâu hơn, mở rộng phạm vi nhưng cần phải xem xét, tính toán, cân đối, tránh tạo áp lực với ngân sách.

Trong giải trình ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết chính sách giảm 2% thuế VAT thực hiện liên tiếp trong ba năm, đồng thời đối tượng không có gì thay đổi để đảm bảo nhất quán chính sách và giảm áp lực cho ngân sách.

Theo ông, việc giảm thuế VAT chỉ là một trong nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng GDP. Giảm thuế để kích cầu có tác dụng ngắn hạn chứ không thể tác dụng trong dài hạn.

Để tăng trưởng kinh tế thì giải pháp căn cơ vẫn là tháo gỡ thủ tục đầu tư, tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, tháo gỡ về nguồn vốn, quản trị, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động...

Về ý kiến của một số đại biểu đặt vấn đề vì sao chỉ áp dụng giảm thuế VAT 2% trong sáu tháng và đề xuất có thể kéo dài giảm thuế dài hơn, theo ông Phớc, ngoài chính sách giảm thuế VAT còn có các chính sách hỗ trợ dài hạn như về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân thì sang năm 2025 sẽ bắt đầu sửa...

Vì vậy, trước mắt trình Quốc hội giảm thuế VAT 2% trong ngắn hạn sáu tháng, vừa giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn vừa không tác động nặng lên ngân sách. Ông nêu rõ căn cứ tình hình thực hiện trong thực tế sẽ tiếp tục có báo cáo xin ý kiến Quốc hội.

3 địa phương giảm thu ngàn tỉ khi giảm thuế VAT

Việc giảm thuế VAT 2% trong sáu tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 25.000 tỉ đồng. Ba địa phương chịu ảnh hưởng thu lớn nhất là TP.HCM giảm gần 4.000 tỉ đồng, Hà Nội gần 3.500 tỉ đồng, Bình Dương giảm gần 1.200 tỉ đồng.

Ngoài ra còn một số địa phương khác như Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm trên 500 tỉ đồng, các tỉnh còn lại giảm thu dưới 350 tỉ đồng…

(Nguon: Tuoitre.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Giảm 2% thuế VAT: Nên kéo dài hết năm 2024, với tất cả hàng hóa

 

hoa-moc-thien-2

miss-charm-2023

metro-sai-gon

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

bia-kndn