top-banner-2

Thứ năm, 22/11/2018, 14:50 GMT+7

Giá phân bón tăng chóng mặt: Tại giá xăng tăng?

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật, bộ NN&PTNT cho biết, giá phân bón tăng mạnh hiện nay do ảnh hưởng từ quốc tế vì vậy chưa thể xác định sẽ còn tăng đến khi nào.

Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, so với thời điểm khoảng ba tháng trước, giá của hầu hết các loại phân bón trên thị trường đều đã tăng mạnh. Cụ thể, phân DAP tăng từ 510.000 đồng nhảy lên 690.000 đồng/bao, phân Ure tăng 6,9 triệu/tấn lên 8,2 triệu/tấn, phân Kali từ 6,9 triệu/tấn tăng lên 8 triệu/tấn.

Phân NPK 20-20-15 là loại sản phẩm được bà con nông dân sử dụng phổ biến đang phải tăng từ 30-40.000 đồng/bao 50kg, tức tăng khoảng 600-800.000 đồng/tấn.

Phân bón hiện chiếm khoảng 30% giá thành xản xuất nông nghiệp, giá phân bón tăng cao trong khi nhiều mặt hàng nông sản vẫn giữ, thậm chí xuống giá đã khiến chi phí sản xuất của người nông dân tăng lên và đẩy lợi nhuận xuống thấp.

gia-phan-bon-tang-tgnguoinoitieng

Giá phân bón tăng mạnh đẩy chi phí sản xuất của người dân lên cao.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Hoàng Trung, Cục trưởng cục Bảo vệ thực vật, cơ quan phụ trách về phân bón của bộ NN&PTNT cho biết, hiện tượng tăng giá là bình thường của nền kinh tế.

Ông Trung cho biết, thời gian qua giá xăng, dầu quốc tế tăng mạnh. Do lọc hóa dầu là ngành sản xuất quan trọng cung cấp các nguyên liệu, hóa chất đầu vào cho ngành phân bón nên khi giá dầu thế giới tăng đã kéo giá phân bón tăng theo. Bên cạnh đó, chúng ta nhập khẩu nguyên liệu phân bón hàng năm rất lớn từ Trung Quốc, tuy nhiên vì những yếu tố môi trường mà quốc gia này đã cắt giảm đáng kể sản xuất, dẫn đến giảm xuất khẩu.

Trong khi đó, một nước lớn khác là Ấn Độ đã thu mua 550.000 tấn nguyên liệu phân DAP trong năm qua khiến nguồn cung trên thị trường giảm thêm.

Về nguyên nhân trong nước, hai nhà máy ở Ninh Bình và Hà Bắc năm qua hoạt động chưa hết công suất, nhà máy đạm Cà Mau cũng có thời gian dừng hoạt động bảo dưỡng cũng phần nào ảnh hưởng đến nguồn cung.

"Tuyệt đối không phải các yếu tố trong nước hay do tăng giá do đầu vụ Đông-Xuân, bởi đầu vụ năm nào cũng thế, các nhà sản xuất trong nước cũng đã dự tính được. Cung giảm, cầu giữ nguyên thì giá phải tăng, quy luật kinh tế thị trường thì giá trong nước tăng theo thế giới như vậy là bình thường", ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, hiện tại không thể xác định khi nào giá phân sẽ ổn định trở lại vì giá nguyên liệu của mặt hàng này phụ thuộc vào giá quốc tế.

Theo bộ NN&PTNT, nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước hiện vào khoảng 11 triệu tấn, trong đó phân vô cơ chiếm khoảng 90%. Theo các năm, nhu cầu tiêu thụ dao động ở mức 1,4 triệu tấn lân, 2,3 triệu tấn urê, gần 4 triệu tấn NPK. Các loại phân còn lại như DAP, kali, SA ở mức 850-950 tấn. Ngoài ra, phân bón nhập khẩu còn được chế biến xuất khẩu sang các thị trường như Campuchia, Lào, Indonesia, Philippines...

Trong 10 tháng đầu năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 3,44 triệu tấn với trị giá 987 triệu USD, giảm 14% về khối lượng và giảm 7,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi phân SA giảm 12,1% về khối lượng và giảm 5% về giá trị (nhập 783.000 tấn) thì urê lại tăng 4% lượng nhập khẩu, đạt 426.000 tấn với giá trị đạt 121 triệu USD. Nguồn phân bón nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Nga, Malaysia, Hàn Quốc.

Theo nguoiduatin.vn - 22/11/2018

Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/gia-phan-bon-tang-chong-mat-tai-gia-xang-tang-a411778.html


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Giá phân bón tăng chóng mặt: Tại giá xăng tăng?

 

hoa-moc-thien-2

miss-charm-2023

metro-sai-gon

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

bia-kndn