top-banner-2

Thứ tư, 01/03/2017, 16:15 GMT+7

Các tập đoàn ô tô muốn có thêm ưu đãi

Các tập đoàn ô tô muốn có thêm ưu đãi về thuế và cơ chế để duy trì sản xuất xe trong nước.

Tại cuộc họp của Bộ Công Thương với các doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam chiều 28-2, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, cho rằng với việc hàng rào thuế nhập khẩu giảm xuống 0% từ ngày 1-1-2018, dường như các tập đoàn ô tô có kế hoạch tăng sản lượng tại Indonesia và Thái Lan để xuất khẩu sang Việt Nam. Đồng nghĩa với điều đó là các hãng chỉ duy trì sản xuất ở Việt Nam với mức thấp.

Các doanh nghiệp ô tô đang giảm dần sản xuất trong nước để chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc Ảnh: TẤN THẠNH

Các doanh nghiệp ô tô đang giảm dần sản xuất trong nước để chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc Ảnh: TẤN THẠNH

“Tuy nhiên, cũng có thể đây là chiến lược trong ngắn hạn để chiếm lĩnh thị trường, chuẩn bị cho việc mở rộng sản xuất sau này, khi quy mô thị trường đủ lớn. Quyết định đặt cơ sở sản xuất, lắp ráp hay nhập khẩu từ các nước trong khu vực phụ thuộc vào chiến lược phân chia thị trường và phát triển chuỗi sản xuất của mỗi hãng” - ông Hoài nhìn nhận.

Theo đại diện Toyota Việt Nam, về góc độ thị trường, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN giảm còn 0% vào năm 2018 là tốt nhưng ở góc độ sản xuất lại là thách thức lớn bởi giá thành sản xuất trong nước cao hơn nhập khẩu nguyên chiếc. Để ứng phó, Toyota Việt Nam đã quy hoạch lại theo hướng thu hẹp những dòng xe sản xuất.

“Năm ngoái, chúng tôi sản xuất 5 dòng xe thì năm nay chỉ 4 dòng. Như vậy, 4 dòng xe này có thể tăng được sản lượng. Nếu sản lượng 1 năm duy trì khoảng 50.000 xe thì chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục sản xuất” - đại diện Toyota Việt Nam cho hay.

Đại diện Honda Việt Nam cho rằng việc duy trì sản xuất trong nước rất khó khăn bởi dung lượng thị trường Việt Nam còn nhỏ, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, chính sách ưu đãi chưa rõ ràng… “Honda Việt Nam cam kết sẽ duy trì sản xuất trong nước, tập trung vào dòng xe có lợi thế về sản lượng song song với nhập khẩu. Từ nay đến năm 2018, Honda sẽ chỉ sản xuất, lắp ráp Honda City, CRV; còn một số dòng xe khác sẽ chuyển sang nhập khẩu” - đại diện hãng này tiết lộ.

Cùng chung hướng đi trên, đại diện GM Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục duy trì sản xuất ở Việt Nam nhưng sẽ cắt giảm số mẫu để tăng sản lượng. Ông Phạm Văn Dũng, Công ty Ford Việt Nam, cho hay 4/6 dòng xe Ford đang bán ở Việt Nam là sản xuất trong nước. Sắp tới, Ford chỉ tập trung vào 1-2 dòng xe có sản lượng lớn và có cơ hội xuất khẩu sang nước khác.

Để đạt mục tiêu tiếp tục duy trì sản xuất tại Việt Nam, các DN đồng loạt cho rằng Chính phủ cần có thêm cơ chế ưu đãi, khuyến khích về thuế - nhất là thuế nhập khẩu linh kiện, nhằm kéo giảm mức chênh lệch giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu. Đồng thời, cần có giải pháp nâng cao dung lượng thị trường thông qua hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hạn chế tình trạng gian lận thương mại.

Nhằm giải tỏa các “bức xúc” của DN ô tô ngoại, ông Trương Thanh Hoài đề xuất 4 nhóm giải pháp. Theo đó, sẽ tạo dựng thị trường ô tô trong nước đủ lớn cho các nhà sản xuất; có các hàng rào kỹ thuật, biện pháp chống gian lận thương mại; có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của chủ thể nhập khẩu xe đối với người tiêu dùng như đối với xe sản xuất trong nước; điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng theo nguyên tắc nhỏ hơn mức thuế nhập khẩu ô tô thành phẩm như cam kết đã ký…

Theo nld.com.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Các tập đoàn ô tô muốn có thêm ưu đãi

 

hoa-moc-thien-2

miss-charm-2023

metro-sai-gon

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

bia-kndn