top-banner-2

Thứ năm, 08/10/2015, 09:59 GMT+7

Các chuyên gia, doanh nhân nói gì về lợi ích 'ngàn năm có 1' của TPP

Các chuyên gia kinh tế, doanh nhân VN và thế giới đều phân tích Mỹ hưởng lợi lớn nhất từ TPP về giá trị tuyệt đối thêm cho nền kinh tế trong khi Việt Nam có lợi nhiều nhất nếu tính trên tỷ lệ % GDP tăng thêm.

Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy các dòng chảy thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhất từ TPP do nhu cầu ngày càng gia tăng đối với hàng hóa dệt may và giày dép. Các chuyên gia, doanh nhân Việt đều nhận định, bên cạnh cơ hội, TPP cũng mang lại nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam.

Dệt may được dự đoán sẽ hưởng lợi nhiều khi TPP được ký kết

Dệt may được dự đoán sẽ hưởng lợi nhiều khi TPP được ký kết

GS Peter Petri, ĐH Brandeis (Mỹ): Cú hích cho thương mại toàn cầu

 

TPP là hiệp định thương mại lớn đầu tiên kể từ năm 1994 khi vòng đàm phán Uruguay kết thúc (dẫn tới hình thành WTO). Hiệp định giải quyết một loạt vấn đề lớn tích lũy kể từ đó đến nay từ các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ, đầu tư, điều hành và một loạt lĩnh vực khác. TPP đến vào thời điểm quan trọng – khi tăng trưởng thương mại thế giới đang chậm lại và kinh tế thế giới cần một cú hích.

Thoả thuận đạt được mới chỉ là khởi đầu. Nó sẽ còn cần được 12 nước phê duyệt. TPP sẽ có tác động từ từ - trong một số lĩnh vực sẽ cần tới cả thập kỷ. Nhưng nó sẽ đẩy nhanh các thoả thuận thương mại khác ở châu Âu, châu Á và các nơi khác.  Đây là một ngày tốt lành cho hệ thống thương mại thế giới.

Như vậy hệ thống thương mại toàn cầu có thể cải thiện một lần nữa và mọi người sẽ có lợi từ nó. Trong TPP, nghiên cứu của chúng tôi đánh giá các nước đang phát triển như Việt Nam, Malaysia và Peru sẽ có lợi nhất nếu tính theo tỷ lệ tăng trưởng – mỗi năm có thể tăng thêm 1% tăng trưởng trong thập kỷ tới. Họ cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề khó khăn (như vấn đề lao động ở Việt Nam). Nhưng có vẻ họ đã sẵn sàng làm vậy để hiện đại hoá nền kinh tế của mình.

Ở Việt Nam, sản phẩm nông nghiệp ngày càng chịu nhiều sức ép cạnh tranh hơn, nhưng các lợi ích – ví dụ từ ngành dệt may, sản xuất đồ điện tử - sẽ lớn hơn phần tổn thất. Đương nhiên, việc chính phủ phải giúp đỡ những người bị ảnh hưởng là điều rất quan trọng.

Việt Nam sẽ phải nghiên cứu thoả thuận này rất kỹ để giúp các doanh nghiệp của họ có lợi từ TPP. Các doanh nghiệp đối tác ở Mỹ, Nhật cũng mong muốn điều này và sẽ muốn giúp các doanh nghiệp Việt.

 

Fred Burke, Giám đốc điều hành hãng luật Baker McKenzie tại Việt Nam

Các nhà đàm phán TPP đã làm việc rất tích cực trong suốt hơn 5 năm qua để đạt được một thoả thuận khung mới cho thương mại quốc tế mà vượt xa nền tảng của hệ thống WTO hiện nay. TPP không những sẽ tạo ra hàng triệu việc làm mới cho công nhân 12 nước mà sẽ còn khuyến khích việc quan tâm tới các vấn đề về môi trường cũng như lao động, điều giúp cho thoả thuận khung này mang tính lâu dài cho nhiều thế hệ tương lai.

'Việt Nam và Mỹ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP'

Ông Fred Burke. Ảnh: Cafe.vn

Giữa Mỹ và Việt Nam, TPP là thoả thuận mà cả hai bên đều có lợi. Mỹ sẽ là nước giành được lợi nhiều nhất về giá trị tuyệt đối thêm cho nền kinh tế trong khi Việt Nam là nước đạt lợi nhiều nhất nếu tính trên tỷ lệ % GDP tăng thêm.

Quá trình đàm phán khéo léo và chủ động của Việt Nam với TPP và các hiệp ước đa phương khác có thể giúp Việt Nam trở thành trung tâm mới khi chuỗi cung cấp vùng tái cấu trúc trong thập kỷ tới.

Về những khó khăn hơn đối với thị trường, như thị trường nông sản, người tiêu dùng Việt sẽ có thêm lựa chọn, trong khi với nguồn cung cấp thì sẽ có thêm cạnh tranh.

Các trang trại gia đình ở Việt Nam sẽ phải tìm cách mới để thuyết phục khách hàng của mình mua sản phẩm chứ không thể chỉ dựa vào giá được nữa. Dựa vào kinh nghiệm của châu Âu, các sản phẩm nông sản truyền thống có thể cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài dựa vào chất lượng an toàn thực phẩm.

Tóm lại, nếu các nhà sản xuất Việt có thể giành được niềm tin của người tiêu dùng, họ sẽ luôn tồn tại. Hơn thế, Việt Nam có lợi thế tự nhiên khi có rất nhiều loại thực phẩm mà họ có thể sử dụng và trong nhiều thập kỷ tới, về tổng thể Việt Nam vẫn có lợi. Việt Nam đã là nhà sản xuất tầm cỡ toàn cầu với xuất khẩu gạo, café, hạt điều, tiêu… Hãy tưởng tượng cơ hội sẽ lớn thế nào khi Nhật sẽ buộc phải gỡ các hàng rào thuế quan tới 700% của thị trường gạo nước họ.

Chuyên gia VN

Đánh giá về thỏa thuận cuối cùng vừa đạt được của các nước tham dự TPP, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cho rằng đây là một bước tiến mang ý nghĩa quan trọng đối với hội nhập kinh tế toàn cầu trong một thế giới đang trở nên không chỉ ngày càng kết nối mà còn phụ thuộc lẫn nhau.

“TPP sẽ góp phần gia tăng thu nhập và mức sống của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á - nhân rộng thị trường tiềm năng cho hàng hóa, các nhà sản xuất, dịch vụ và công nghệ của khu vực. Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi rất lớn từ TPP do nhu cầu ngày càng gia tăng đối với hàng hóa dệt may và giày dép” - ông Hải nhận xét.

Theo nghiên cứu của Khối nghiên cứu kinh tế thuộc HSBC, TPP có khả năng sẽ tăng thu nhập quốc dân của Việt Nam 10% vào năm 2020. Quan trọng là Việt Nam phải làm gì để thực sự hưởng lợi từ hiệp định này. Dù vậy, TPP sẽ tạo áp lực tích cực để đất nước đổi mới nhanh chóng nhằm đưa Việt Nam thành một nền kinh tế hiệu quả và mang tính cạnh tranh hơn.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may TP HCM, cho biết ngành dệt may được dự đoán sẽ hưởng lợi nhiều từ TPP khi thuế suất giảm dần về 0%. “Vui nhiều nhưng cũng lo nhiều bởi muốn tận dụng được lợi thế thì phải đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Ngoài ra, hàng loạt các quy định về chính sách xã hội, lao động, sở hữu trí tuệ… theo yêu cầu của TPP cũng cần được nâng cao hơn, nên các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị” - ông Hồng nói.

Ông Lương Hoài Nam-Giám đốc Hãng hàng không Hải Âu: TPP là cơ hội, không phải "chiếc đũa thần". Cần tránh hiểu nhầm là TPP hoàn tất đồng nghĩa với mọi thứ tự nhiên tốt lên, mọi doanh nghiệp đều ăn nên làm ra, thu nhập người lao động tăng, kinh tế phát triển vượt bậc ...

Không có cái gì tự nhiên đến mà đều cần phải "cày", từ lãnh đạo đến dân, thậm chí phải "cày" cật lực hơn, vất vả hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn yếu hơn, kém hơn các đối thủ cạnh tranh trong TPP. Việt Nam mở cửa ra là họ vài ngay, còn doanh nghiệp trong nước vào được nước họ còn khó.

Doanh nghiệp trong nước còn phải làm nhiều việc, từ việc nghiêm túc với chất lượng, giá cả cạnh tranh, có hiểu biết đủ về pháp luật, văn hoá, các hệ thống phân phối địa phương, kỹ năng đàm phán quốc tế... cần có người giỏi cho những việc đó. Đá bóng "gôn tôm" với đá bóng chuyên nghiệp khác nhau lắm.

Ông Nguyễn Đức Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách: TPP vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Việt Nam. Chúng ta có thể tham gia vào các thị trường lớn và nhiều tiềm năng, tạo dựng được thị trường cho riêng mình, qua đó nâng cao được mô hình sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên nếu không tận dụng được Việt Nam sẽ bị rơi lại đằng sau, trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các nước khác. Nếu không nâng cao được quy trình sản xuất, doanh nghiệp trong nước sẽ rất khó bắt nhịp được với doanh nghiệp quốc tế.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Với DN, theo bà Lan, vấn đề chính là năng lực cạnh tranh, đặc biệt DN có thể vượt lên được không khi môi trường kinh doanh còn thiếu sót, thiên vị các loại hình DN, khó khăn nhiều vẫn “đẻ” thêm... 

Ngoài ra, bà Lan cho rằng, DN có tự mình thay đổi để vượt lên tận dụng cơ hội từ TPP được hay không, đặc biệt với DN quy mô nhỏ, lâu nay hoạt động theo đường mòn, việc thay đổi không phải dễ dàng. Khi tham gia TPP, nhiều người đánh giá Việt Nam sẽ được lợi nhiều nhất vì là nước mà kinh tế phát triển ở mức thấp nhất trong số các nước TPP, nhưng bà Lan không nghĩ như vậy.

Tổng hợp


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Các chuyên gia, doanh nhân nói gì về lợi ích 'ngàn năm có 1' của TPP

 

hoa-moc-thien-2

miss-charm-2023

metro-sai-gon

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

bia-kndn